Mỹ, EU khép lại cuộc chiến thuế thép, nhôm thời ông Trump

Mỹ và EU đã đồng ý chấm dứt tranh chấp kéo dài về thuế thép và nhôm do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng năm 2018. Mỗi quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Washington và Brussels giờ đây có thể bình ổn hơn.

Hai đồng minh dẹp bỏ hiềm khích

Hôm 30/10, các quan chức chính phủ Mỹ xác nhận chính quyền Tổng thống Joe Biden và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khép lại cuộc chiến thuế thép và nhôm do cựu Tổng thống Donald Trump khơi mào năm 2018.

Chia sẻ với các phóng viên, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết thỏa thuận mới sẽ giữ nguyên mức thuế 25% mà Washington áp dụng đối với thép và 10% đối nhôm của EU, theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962.

Đồng thời, Mỹ đồng ý miễn thuế cho một “số lượng hạn chế” kim loại công nghiệp do EU sản. Theo Reuters, các quan chức Mỹ không nêu rõ khối lượng thép EU được miễn thuế vào Mỹ. Nguồn thạo tin khác cho biết, hơn 3,3 triệu tấn kim loại sẽ bị đánh thuế mỗi năm.

Ông Valdis Dombrovskis, người đứng đầu cơ quan thương mại của EU, đã xác nhận thỏa thuận trên Twitter. Theo đó, ông cho hay hai bên đã nhất trí tạm dừng tranh chấp thương mại và thảo luận về một thỏa thuận toàn cầu trong tương lai nhằm bảo vệ ngành công nghiệp luyện kim của cả hai.

Vị quan chức EU nói thêm rằng thỏa thuận sẽ được đích thân Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố trong hôm nay (ngày 31/10).

Thỏa thuận mới yêu cầu thép và nhôm của EU phải được sản xuất hoàn toàn trong khối kinh tế chung để đủ điều kiện miễn thuế. Điều khoản này được cho là nhằm ngăn chặn nguồn cung kim loại từ Trung Quốc và các nước không thuộc EU xuất sang Mỹ, vì thực tế hầu hết chúng chỉ được gia công đơn sở ở châu Âu.

Trước khi cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm EU vì lý do an ninh quốc gia, châu Âu xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn thép sang thị trường Mỹ mỗi năm.

Ngoài ra, thỏa thuận trên cũng loại bỏ thuế quan trả đũa mà EU áp lên các sản phẩm của Mỹ như rượu bourbon, xe mô tô Harley-Davidson và thuyền có động cơ. Đây là các mặt hàng dự kiến sẽ bị tăng thuế lên gấp đôi vào ngày 1/12 tới.

Reuters nhận định, thỏa thuận mới sẽ giúp loại bỏ xích mích giữa hai đồng minh thân cận và cho phép họ tập trung đàm phán một hiệp định thương mại khác để xử lý công suất thép và nhôm dư thừa trên toàn cầu, mà chủ yếu là tập trung ở Trung Quốc, cũng như giảm phát thải khí nhà kính.

Hoạt động luyện thép của Mỹ chủ yếu dựa vào các lò điện hồ quang, do đó tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn nhiều so với các lò cao chạy bằng nhiên liệu than phổ biến ở Trung Quốc.

Kể từ khi lên nhậm chức, ông Biden đã cố gắng hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh châu Âu để chống lại các hành vi kinh tế được cho là không công bằng của chính quyền Bắc Kinh, trong đó có việc Trung Quốc ồ ạt sản xuất thép và bán tống bán tháo ra thị trường toàn cầu.

Vực dậy ngành công nghiệp luyện kim của Mỹ

Bộ trưởng Raimondo cho biết thêm rằng, thỏa thuận mới của Washington và Brussels sẽ giúp giảm chi phí cho các nhà sản xuất tiêu thụ lượng lớn thép tại Mỹ. Trong năm qua, giá thép đã tăng hơn ba lần lên mức kỷ lục 1.900 USD/tấn trong bối cảnh ngành này phải chạy đua để đáp ứng nhu cầu tăng vọt hậu COVID-19.

Trong khi đó, CEO Mark Dufy của Hiệp hội Sản xuất Nhôm Hàng đầu của Mỹ cho biết, các nhà sản xuất nhôm lớn của Mỹ sẽ có thể tranh thủ đầu tư để tăng công suất trong nước, vì hạn ngạch nhập khẩu nhôm EU của Mỹ được đặt ở mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với trước khi ông Trump khơi mào cuộc chiến thuế quan với EU.

Chưa kể, thỏa thuận mới còn giúp “ngăn chặn lượng lớn thép nước ngoài xâm nhập thị trường Mỹ, vốn có nguy cơ làm suy yếu ngành công nghiệp thép nội địa và tác động đến thị trường việc làm của Mỹ”, ông Kevin Dempsey – Chủ tịch Viện Sắt Thép Mỹ, cho hay.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ và EU đưa ra các chính sách tích cực khác để buộc Trung Quốc và các nước sử dụng chính sách thương mại méo mó phải chịu trách nhiệm”, ông Dempsey nhấn mạnh.

Do đã rút khỏi EU, các mặt hàng thép của Anh vẫn phải chịu thuế quan khi đi vào Mỹ, tương tự như một số đồng minh khác của Washington như Nhật Bản. Phòng Thương mại Mỹ, cơ quan phản đối việc áp thuế kim loại này ngay từ đầu, khuyến nghị Washington nên loại bỏ các mức thuế và hạn ngạch hiện tại đối với các đồng minh thân cận.

Theo VietNamBiz

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
chat-active-icon