Doanh nghiệp ngành tôn thép tìm hướng đi đột phá

Theo đại diện của Tôn Đông Á, để giữ thị phần và niềm tin của khách hàng, doanh nghiệp cần có những quyết sách linh hoạt, phù hợp.

Đại diện của Công ty Tôn Đông Á cho biết năm 2020 là năm “sóng gió” với ngành tôn thép bởi những biến động lớn của nền kinh tế, xã hội khi chịu tác động của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp trong ngành liên tục có những động thái ứng phó để trụ vững và chờ thời cơ phát triển trong những năm tới.

Dịch covid-19 đã tác động sâu rộng đến hầu hết ngành kinh tế, kéo theo đà sụt giảm của thị trường ngành tôn thép trong nước và thế giới. Tuy nhiên, với việc Chính phủ Việt Nam có những biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch nên mức sụt giảm của ngành không ảnh hưởng nặng nề như các nước. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2020 việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của các địa phương góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của toàn ngành thép trong bối cảnh thị trường ảm đạm vì dịch bệnh. Tiêu thụ các sản phẩm đều hồi phục mạnh từ quý II năm 2020 khi hoạt động xây dựng trở lại bình thường nhờ dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát.

Hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia mang tính cấp bách cao được triển khai trong năm 2021 sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng tôn thép tăng mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công rẻ…. Do vậy, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về tôn thép xây dựng tăng theo.

Sản lượng và tiêu thụ thép tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2021. Số liệu từ VSA cho thấy sản xuất thép thô cả nước tháng 1/2021 đạt hơn 1,732 triệu tấn, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản xuất thép cuộn cán nóng, cán nguội và sản phẩm tôn mạ đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Riêng sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 558.612 tấn, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng bán ra đạt 670.455 tấn, tăng 17,55% so với tháng trước và tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ 2020.

Theo dự báo đánh giá từ VSA, thị trường nội địa trong năm 2021 có nhiều cơ hội bởi dự báo Việt Nam sẽ đón các doanh nước ngoài đẩy mạnh việc đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp… Ðồng thời, với các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ lựa chọn Việt Nam là nơi đặt các trung tâm, nhà máy sản xuất, góp phần thúc đẩy thị trường tôn thép phát triển. Trong khi đó, nhu cầu từ xuất khẩu mặc dù được đánh giá khá tích cực nhưng dự báo cạnh tranh gay gắt hơn rất nhiều. Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thép thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021. Nhu cầu thép của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.

Theo VNExpress

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
chat-active-icon