Chặn sốt ảo giá đất bằng “vắc-xin” quy hoạch

Việc lập quy hoạch chưa đầy đủ, công bố quy hoạch của các địa phương chưa được công khai, minh bạch là nguyên cớ quan trọng hình thành các cơn “sốt ảo” giá đất.

Thực tiễn thúc bách

Được đánh giá là lĩnh vực phức tạp nhất, nhiều khiếu nại, tố cáo và tiêu cực nhất, tuy nhiên, cho tới thời điểm này, việc cải thiện chất lượng trong công tác quản lý và giám sát sử dụng đất đai theo hướng bền vững vẫn là bài toán khó với các nhà quản lý, cho dù đã liên tục ban hành, sửa đổi và bổ sung nhiều khuôn khổ thiết chế pháp lý cho vấn đề này.

Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) được Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa công bố cho thấy, tình trạng quy hoạch treo và sử dụng lãng phí quỹ đất vẫn diễn ra phổ biến. Kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi có hiệu lực đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm trên 60% trong tổng số các đơn thư… Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Tòa án nhân dân Tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, toàn ngành đã tiến hành hơn 2.500 cuộc thanh tra, kiểm tra về đất đai trên địa bàn cả nước, qua đó phát hiện các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, trong đó chủ yếu là không sử dụng đất hoặc tiến độ triển khai chậm so với tiến độ ghi trong dự án được duyệt, sử dụng đất không đúng mục đích… và kiến nghị xử lý thu hồi gần 25.000 ha diện tích đất sai phạm.

Còn theo báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trước các đại biểu Quốc hội vừa qua, chỉ tính riêng năm 2020, Chính phủ đã xử lý thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100.000 ha đất của các dự án chậm triển khai, trong đó đã thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án, với diện tích gần 30.000 ha đất.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm, Đoàn đại biểu Hà Nội đánh giá, lãng phí tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai, gây nguy hại hơn nhiều so với tham nhũng, nhưng vấn đề là trong nhận thức của nhiều người vẫn xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi vi này, cho dù đã được đưa vào nhóm vấn đề quan trọng cần xem xét trong Nghị quyết của Đảng.

Thực tế cho thấy, ở những nơi “tấc đất tấc vàng” như Hà Nội và TP.HCM, vẫn có những khu đất bỏ hoang hàng chục năm, mở rộng ra là hàng trăm dự án bị bỏ hoang nhiều năm vì nhiều lý do trên khắp cả nước. Tình trạng đất đai, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, thậm chí bỏ trống, địa phương nào cũng có.

Hồi đầu tháng 10 này, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký văn bản thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng chưa đưa đất vào sử dụng.

Trước đó, báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP. Hà Nội về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố đưa ra con số “giật mình” với 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai, trong đó 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Kết quả cho thấy, 29 dự án (tổng diện tích 1.844,3 ha) được kiến nghị trình UBND Thành phố thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư, có thể kể đến là dự án Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng tại địa chỉ 162 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) của Hợp tác xã Công nghiệp Thăng Long; dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên tại xã Cẩm Lĩnh, Tản Lĩnh, Thụy An (Ba Vì) của Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Tản Viên…

Cần đổi mới những gì?

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực to lớn và quan trọng bậc nhất trong phát triển kinh tế – xã hội, liên quan đến việc phân bổ dân cư, lao động, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, môi trường, quốc phòng và an ninh; liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Để đảm bảo quản lý sử dụng và giám sát quá trình sử dụng đất đai, Luật Đất đai được ban hành và sửa đổi thường xuyên trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, từ năm 1987 đến nay, theo TS. Trần Quang Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội, dù đã 4 lần ban hành luật mới và 2 lần sửa đổi bổ sung, việc nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng đất vẫn chưa đạt kỳ vọng, chưa đảm bảo được việc sử dụng nguồn lực đất đai một cách hiệu quả cao nhất gắn với phát triển kinh tế – xã hội.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, để tăng cường công tác quản lý sử dụng và giám sát quá trình sử dụng đất đai, thống nhất công tác quy hoạch vốn rải rác ở nhiều bộ luật trước đây, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch từ năm 2017, nhưng thực tiễn áp dụng vẫn chưa đảm bảo được tính đồng bộ, liên kết giữa các văn bản luật, khiến cho việc lập quy hoạch sử dụng đất chung chưa thực sự hiệu quả như mong muốn.

Như chia sẻ của lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn tại Hà Nội, việc các quy hoạch sử dụng đất chưa thống nhất, chưa rõ ràng khiến các doanh nghiệp loay hoay trong quá trình triển khai. “Doanh nghiệp có trách nhiệm với việc kinh doanh có lãi trên mảnh đất mình được giao sử dụng, nhưng đôi khi cũng không rõ chỗ nào được hay không được xây”, vị lãnh đạo này nói.

Không những vậy, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc lập quy hoạch chưa đầy đủ, công bố quy hoạch của các địa phương chưa được công khai, minh bạch để định hướng kịp thời cho người dân và doanh nghiệp, dẫn đến việc giá đất “sốt ảo” thời gian qua.

Tại cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia vào cuối tháng 9/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý rằng, việc quản lý, sử dụng đất không thể chỉ tính cho hiện tại, mà còn phải tính cho cả tương lai, đồng thời đất đai phải được phân bổ hợp lý với tầm nhìn dài hạn không chỉ trong 5-10 năm, mà còn phải xa hơn trong tiến trình phát triển của đất nước.

“Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải đi trước một bước, làm cơ sở để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội nói chung và quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác, quy hoạch vùng và địa phương nói riêng, tạo tính liên kết vùng, liên kết tỉnh, bảo đảm được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn lực”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo TNCK

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
chat-active-icon