(19/06/2024)
Mặc dù sản lượng thép Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 5 nhưng dữ liệu về thị trường bất động sản và lĩnh vực sản xuất cho thấy nhu cầu thực tế vẫn ở mức thấp.
Theo Reuters, ngành thép Trung Quốc đang ở trong bối cảnh sản lượng tăng nhưng thị trường vẫn lo ngại về nhu cầu tiêu thụ thấp khi ngành bất động sản vẫn đang đình trệ.
Theo dữ liệu chính thức công bố hôm thứ Hai (17/6), trong tháng 5, Trung Quốc đã chứng kiến sản lượng đạt mức cao nhất trong 14 tháng là 92,86 triệu tấn, tăng 8,1% so với tháng 4 và cao hơn 2,7% so với tháng 5 năm ngoái.
Khối lượng vượt quá mong đợi của thị trường và nguyên nhân là do nhu cầu trong nước được cải thiện và xuất khẩu mạnh mẽ. Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm thép đạt 9,63 triệu tấn trong tháng 5, tăng 4,5% so với tháng 4 và 15,2% so với cùng tháng năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc sản xuất 438,61 triệu tấn thép, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tốc độ giảm sản lượng thép so với cùng kỳ năm trước đã giảm bớt do trong 4 tháng đầu năm, sản lượng giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn quá sớm để nói rằng sản lượng và nhu cầu thép của Trung Quốc đã thay đổi, đặc biệt khi bức tranh tích cực được vẽ ra bởi dữ liệu tháng 5 ngay lập tức bị phủ nhận bởi sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp.
Dữ liệu của cục thống kê cho thấy đầu tư bất động sản ở Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024 giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp nối đà giảm 9,8% trong luỹ kế 4 tháng.
Dữ liệu cũng cho thấy giá nhà mới trong tháng 5 giảm 0,7% so với tháng 4. Đây là tốc độ giảm nhanh nhất trong hơn 9 năm rưỡi và đánh dấu tháng giảm thứ 11 liên tiếp.
Không chỉ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, với sản lượng công nghiệp cũng đang có dấu hiệu chậm lại. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này trong tháng 5 đạt 5,6%, thấp hơn so với 6,7% của tháng 4 và không đáp ứng mức kỳ vọng là 6%.
Chỉ số sản xuất chính cũng giảm trong tháng 5, ở mức 49,5 – dưới mức tiêu chuẩn là 50 và thấp hơn con số 50,4 của tháng 4.
Thị trường bất động sản và lĩnh vực sản xuất vẫn suy yếu bất chấp nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa ra các chính sách kích thích tăng trưởng như nới lỏng quy định thế chấp. Nhiều khả năng các chính sách này sẽ mất thời gian để cho ra kết quả.
Điều này có nghĩa những con số tăng trưởng của ngành thép được thúc đẩy bởi những kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế hơn là nhu cầu thực ở thời điểm hiện tại.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Singapore kết thúc phiên giao dịch hôm 17/6 ở mức 106,55 USD/tấn, giảm so với mức 107,46 USD vào thời điểm đóng cửa trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức thấp nhất của tuần trước là 105,38 USD vào ngày 11/6.
Giá quặng sắt có xu hướng giảm trong năm nay sau khi đạt mức cao nhất là 143,6 USD vào ngày 3/1. Có thời điểm giá mặt hàng nguyên liệu sản xuất thép này giảm xuống dưới 100 USD/tấn.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng 7% trong 5 tháng đầu năm lên gần 514 triệu tấn.
Tuy nhiên, phần lớn mức tăng trong nhập khẩu quặng sắt đã được dùng để bổ sung cho kho dự trữ tại cảng, vốn đã tăng từ mức thấp nhất trong 7 năm là 105 triệu tấn trong tháng 10/2023 lên mức cao nhất trong 26 tháng là 146,6 triệu trong tuần tính đến ngày 14/6.
Động lực hiện tại của việc Trung Quốc mua nhiều quặng sắt hơn mức cần thiết để sản xuất thép có thể vẫn tiếp tục trong tháng 6, với lượng nhập khẩu vẫn duy trì ở mức cao.
Theo dữ liệu do nhà phân tích hàng hóa Kpler tổng hợp, Trung Quốc đang trên đà nhập khẩu ít nhất gần 100 triệu tấn quặng sắt trong tháng 6.
Con số này dự kiến sẽ tăng lên trước cuối tháng khi nhiều hàng hóa được đánh giá có khả năng cập bến và dỡ hàng. (Nguồn: vietnambiz.vn)