Xuất khẩu thép của Việt Nam trong quý 1/2021 đạt 2,92 triệu tấn và trị giá đạt 2,04 tỷ USD, tăng 47,03% về lượng và tăng 85,08% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Yêu cầu tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép trong nước
Trước diễn biến giá thép tăng vọt thời gian qua, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá thép, có giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép và hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây giá nhiều vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao, trong đó giá thép tăng đột biến, không theo quy luật thông thường đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư xây dựng.
Trong khi đó, ý kiến của Bộ Công Thương cho rằng do phụ thuộc nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu có mức giá đang tăng cao nên giá thép trong nước tăng cao, không có cơ sở kết luận các doanh nghiệp thép bắt tay tăng giá.
Để đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu sản phẩm thép trong nước, ngày 11/5/2021, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam và các Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép:
(i) Rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.
(ii) Thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh.
Đây không phải là lần đầu Bộ Công Thương có biện pháp để “ghìm” giá thép. Vào tháng 2/2021, trước khi giá thép tăng theo chiều thẳng đứng, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện cung cầu và biến động giá thép.
Đánh giá về tác động của giá thép lên CPI, Bộ Công Thương đưa ra giả thiết nếu giá thép năm 2021 tăng 20% tác động vào CPI chung khoảng 0,08% – 0,1%. Từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng khoảng 40-50%.
Về giải pháp dài hạn ổn định cung cầu giá thép, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép xây dựng để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Do giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (thép phế, điện cực..) nên sẽ chịu ảnh hưởng của giá thế giới.
Đối với thép cuộn cán nóng, Bộ Công Thương nhận định sẽ vẫn mất cân đối cung- cầu (sẽ càng tăng) trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng. Do vậy, để tăng nguồn cung các loại thép phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo, Chính phủ có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất hoặc thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án sản xuất thép cán nóng.
Giá HRC tăng gấp 3 lần trong 1 năm qua trên toàn thế giới. Nguồn: VSA
Một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra, là đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng phôi thép cuộn cán nóng và thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Theo ý kiến của Bộ Tài chính, theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn Luật Giá, mặt hàng thép do doanh nghiệp tự quyết định giá và chịu trách nhiệm về mức giá do mình quyết định (không thuộc danh mục hàng hóa nhà nước định giá, bình ổn giá). Riêng thép xây dựng thì các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước; Nhà nước không can thiệp vào việc quy định giá bán của doanh nghiệp.
Năng lực sản xuất của các nhà máy thép trong nước ra sao?
Theo số liệu của Hiệp hội Thép, năng lực sản xuất thép trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nội địa, kể cả xuất khẩu nhiều mặt hàng đã tăng vọt do tác động từ nhu cầu nội địa của Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp thép lớn vẫn duy trì hàng tồn kho.
Cụ thể, với thép thô, sản xuất đạt 6.725.207 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng đạt 6.728.520 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ 2020. Trong đó xuất khẩu đạt 896.820 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ 2020.
Với thép thành phẩm các loại: Sản xuất đạt 10.483.914 tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ 2020; Bán hàng đạt 9.483.755 tấn, tăng 40,3% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 2.168.701 tấn, tăng 67,8% so với 4 tháng năm 2020.
Năng lực sản xuất thép của các nhà máy tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (Hoà Phát sản xuất tăng 82%, Formosa tăng 18%, VnSteel tăng 53%, Pomina tăng 47%, Posco tăng 42%…)
Sản xuất thép xây dựng đạt 3.705.521 tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt 3.706.912 tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 552.136 tấn, tăng 22,7% so với cùng kì năm 2020.
Thị phần thép xây dựng 4 tháng đầu năm, Hoà Phát tiếp tục tăng lên 34,6%, Formosa Hà Tĩnh tăng lên 7,4%
Theo Hiệp hội thép, tồn kho thép xây dựng thời điểm 30/4/2021 là 480.003 tấn. Đây là mức tồn kho tương đối thấp so mức tồn kho trung bình trong những năm gần đây, để gối đầu tiêu thụ các tháng tiếp theo.
Sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 2.291.098 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; Bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 2.451.463 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 451.380 tấn, tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Thép cuộn cán nóng của Hoà Phát 100% sử dụng trong nước, Formosa xuất khẩu 1/3 sản lượng
Sản xuất tôn mạ KL & SPM của các thành viên VSA đạt 1.872.178 tấn, tăng 46,5% so với cùng kỳ 2020 và bán hàng đạt 1.626.769 tấn, tăng 44% mức cùng kỳ 2020 trong đó xuất khẩu đạt 907.150 tấn, tăng hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thép sang Trung Quốc tăng vọt
Theo số liệu thống kê, Quý I năm 2021, nhập khẩu thép về Việt Nam là 3,676 triệu tấn với trị giá trên 2,6 tỷ USD, tăng lần lượt 11,21% về lượng và 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 2,92 triệu tấn và trị giá đạt 2,04 tỷ USD, tăng 47,03% về lượng và tăng 85,08% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong Quý I năm 2021, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 1,88 triệu tấn, với trị giá nhập khẩu hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 51,2% tổng lượng thép nhập khẩu và 48,02% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép sang Trung Quốc đạt 571,5 ngàn tấn tương đương với trị giá 298,8 triệu USD, tăng 88,34% về lượng và tăng 135,9% về trị giá so với cùng kỳ 2020, chiếm 14,62% tỷ trọng xuất khẩu thép Quý I năm 2021 của Việt Nam.
Như vậy là Việt Nam vẫn đang nhập siêu thép từ Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Thép, việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thép là do nhu cầu nội địa Trung Quốc tăng vọt với nhiệm vụ kép: phục hồi sau Covid-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025. Thứ hai, sản lượng thép giảm theo chính sách chung của chính phủ Trung Quốc kết hợp với chính sách kiểm soát ô nhiễm. Thứ ba, là thông tin giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021.
Đối với ý kiến xem xét điều chỉnh chính sách thuế tự vệ thép để hạ giá thành thép trong nước, Bộ Tài chính sáng nay cho biết “việc đặt vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững, bình ổn thị trường thép trong nước”.
Tại cuộc họp về công tác điều hành giá năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước. Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, việc tăng giá thép sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng giá gói thầu và hợp đồng xây dựng, phá vỡ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ, làm tăng chi ngân sách, ảnh hưởng đến tài khóa năm 2021.
Theo CafeBiz