Giá các loại thép xây dựng tại thị trường trong nước của nhiều doanh nghiệp vừa được thông báo điều chỉnh tăng, vượt 18 triệu đồng một tấn.
Từ ngày 7/3, giá thép xây dựng của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) bán tại nhà máy được niêm yết từ 18 triệu đồng một tấn trở lên, tuỳ loại.
Chẳng hạn, thép thanh vằn CB400, CB500 D10 (đường kính 10mm) là 18,2 triệu đồng một tấn (chưa gồm thuế VAT). Thép vằn CB400, CB500 D12 là 18,05 triệu đồng mỗi tấn. Thép cuộn CB240, thép vằn CB300 D10 giá mới là 18 triệu đồng một tấn…
Các mức giá này chưa gồm thuế VAT và phụ thuộc vào giao hàng thanh toán ngay hay chậm. Nếu thanh toán chậm, mỗi tấn thép đắt thêm 950.000 đồng, tuỳ loại.
So với tháng trước, mỗi tấn thép xây dựng của TISCO đắt thêm 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, tuỳ loại.
Tương tự, loạt thương hiệu thép khác trong nước cũng điều chỉnh giá bán thêm 700.000-800.000 đồng mỗi tấn từ 7/3. Thép Kyoei tăng thêm 800.000 đồng mỗi tấn với thép thanh vằn CB300 D10, lên 18,02 triệu đồng; thép cuộn CB240 D10 lên 18,2 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng mỗi tấn so với tháng trước.
Thép cuộn CB240 được thép Việt Đức báo giá 17,7 triệu đồng, tăng 700.000 đồng; thép vằn CB300 D10 cũng tăng lên ngưỡng giá mới 18,02 triệu đồng một tấn.
Các dòng thép của Hoà Phát đều tăng thêm khoảng 700.000 đồng mỗi tấn so với cuối tháng 2. Chẳng hạn, thép thanh vằn CB300 D10 có giá mới là 17,83 triệu đồng mỗi tấn, CB240 là 17,73 triệu đồng… Tại thị trường miền Nam, giá hai loại thép này của Hoà Phát “nhỉnh” hơn phía Bắc 100.000-150.000 đồng mỗi tấn.
Thương hiệu thép Việt Ý nâng mỗi tấn thép vằn CB300 D10 và cuộn CB240 lên thêm 400.000 đồng một tấn, lần lượt là 17,8 và 17,7 triệu đồng.
Anh Vũ, chủ một đại lý tại La Khê (Hà Đông) cho biết, giá thép bắt đầu tăng từ sau Tết Nguyên đán và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. “Mười ngày qua, nhiều thương hiệu thông báo tăng giá tới 3 lần, mỗi lần tăng thêm 300.000-350.000 đồng mỗi tấn, tuỳ loại. Tính cả 3 lần, mỗi tấn tăng cả triệu đồng”, anh cho hay.
Đà đi lên của giá trong nước, theo các doanh nghiệp, do giá nhập khẩu nguyên liệu (than, quặng sắt, thép phế…) trên thị trường thế giới tăng vọt; nguồn cung thép khan hiếm hơn kể từ thời điểm căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra.
Báo cáo cập nhật ngành thép quý I năm nay, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, giá bán thép và giá thành sản xuất thép sẽ tăng do giá các mặt hàng năng lượng tăng cao khi Nga cũng là nước xuất khẩu các mặt hàng năng lượng quan trọng trên thế giới. Hiện giá của dầu, khí, than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021, điều này khiến cho giá thành sản xuất thép tăng mạnh trở lại.
Từ đầu tháng 3 đến nay, giá than tương lai tại Newcastle (Australia) đã tăng hơn 33%, lên mức trên 400 USD một tấn. Tính chung từ đầu năm giá mặt hàng này tăng tới 100%. Ngoài nhu cầu than cho sản xuất, các nước châu Âu cũng đang tăng mua để thay thế khí đốt bằng than, giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Nguồn cung hạn hẹp trong khi cầu tăng, đẩy giá than lên cao.
Còn giá phôi thép chào tại thị trường Đông Nam Á đã vượt 700 USD một tấn, tăng 70-80 USD mỗi tấn so với đầu tháng 2. Cùng với đó, giá giao dịch quặng sắt, thép phế liệu không ngừng tăng, đẩy giá sắt thép thành phẩm tại thị trường trong nước tăng theo.
Ngoài giá, xung đột Nga – Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép. Nga hiện chiếm khoảng 10% nguồn cung thép cho thế giới, còn Ukraine khoảng 4%. Vì thế, các quốc gia nhập khẩu từ hai nước này đang đổ dồn sang tìm nguồn nhập thay thế từ Trung Quốc. Giá thép thanh vằn tương lai tại thị trường Trung Quốc đã tăng 7% từ thời điểm căng thẳng Nga – Ukraine diễn ra, lên mức gần 789 USD mỗi tấn.
Trong nước, việc loạt công trình xây dựng hạ tầng, dân dụng được khởi động lại sau thời gian gián đoạn vì dịch, cũng khiến nhu cầu thép tăng cao, nhất là thép xây dựng. Với nhu cầu tăng cao về xây dựng, đầu tư, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, thị trường thép trong nước tăng trưởng 15-20% trong năm 2022.
Theo VNExpress