Thời gian gần đây, giá một số VLXD tăng cao, nhất là giá thép, đã tác động đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Xuân Tiến – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid -19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn kịp thời nào?
- Thời gian qua, giá một số loại VLXD chủ yếu có xu hướng tăng lên; có thời điểm, giá thép và một số VLXD nhập khẩu tăng đột biến, không theo quy luật, tác động tiêu cực đến đầu tư xây dựng, trực tiếp là các công trình, gói thầu đang thi công, nhất là các gói thầu theo hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định.
Nguyên nhân của việc tăng giá VLXD, đặc biệt là giá sắt thép, nhựa đường, xi măng… là do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng từ việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào gồm: Quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite…, nguồn lao động khan hiếm, chuỗi sản xuất nhiều nơi bị đứt gãy, trên phạm vi rộng lớn.
Trước tình hình đó, Sở Xây dựng chủ động khảo sát, cập nhật giá theo thị trường và công bố giá kịp thời theo quý. Riêng các loại vật tư, vật liệu có biến động lớn như sắt thép, nhựa đường, xăng dầu, xi măng đã công bố theo tháng, để cho các tổ chức và cá nhân tham khảo, áp dụng, đặc biệt là những công trình dự án đang tổ chức cập nhật giá gói thầu, đang thẩm định dự toán xây dựng và các gói thầu thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định.
Giá thép xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã tác động lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng Hà Tĩnh như thế nào, thưa ông?
- Theo tính toán, tỷ trọng chi phí VLXD, đặc biệt là thép xây dựng trong tổng giá trị công trình chiếm khoảng 12 – 16% tùy quy mô, loại hình công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng 1%. Có thời điểm trong năm 2021, giá thép tăng tới 40% so thời điểm cuối năm 2020, tương ứng giá trị công trình tăng thêm hơn 4%, đặc biệt có những công trình mà tỷ trọng thép chiếm lớn thì có thể tăng đến 10% (chỉ tính biến động giá thép, chưa tính đến các giá VLXD khác). Trong khi, với nhà thầu, lợi nhuận định mức của một công trình chỉ dao động bình quân mức trên dưới 5%, với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng. Vì vậy, một số nhà thầu không đánh giá hết các rủi ro tiềm ẩn về biến động giá thép và nguyên vật liệu bị ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận (giảm khoảng 3,6 – 6,4% giá công trình) và phải tự giải quyết khoản thâm hụt này. Theo điều khoản của hợp đồng, chi phí rủi ro này đương nhiên nhà thầu chịu, đặc biệt là các hợp đồng trọn gói và hợp đồng đơn giá cố định.
Với việc giá sắt thép, xi măng… leo thang đã khiến nhiều công trình xây dựng, dự án bất động sản phải thi công cầm chừng, thậm chí đang phải đứng trước nguy cơ “đắp chiếu”.
Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã triển khai Công văn số 1545/BXD-KTXD của Bộ Xây dựng về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng như thế nào?
- Triển khai chỉ đạo của Bộ, Sở Xây dựng Hà Tĩnh đang tập trung đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng; dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.
Đồng thời, Sở Xây dựng Hà Tĩnh đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ xem xét các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.
Giá thép biến động không chỉ tác động xấu tới người tiêu dùng mà ngay cả các cơ sở, Doanh nghiệp kinh doanh VLXD trên địa bàn Hà Tĩnh cũng bị ảnh hưởng nhất định.
Trong thời gian tới, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Xây dựng, đòi hỏi chúng ta phải có kế hoạch cụ thể, sát thực trong việc lập các chương trình, dự án, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng trong thời điểm giá VLXD chưa ổn định, để góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid -19 gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.
Theo Báo Xây Dựng