Site icon Thanh Phat Const

Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô gần 17 năm chưa xong: Cần Thơ kiến nghị gì?

Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô gần 17 năm chưa xong: Cần Thơ kiến nghị gì?

Do có nhiều định hướng mới, chưa chủ động trong bố trí nguồn lực… nên dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô kéo dài qua nhiều năm chưa xong, nay cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Theo Báo cáo của UBND TP. Cần Thơ về tình hình thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Cần Thơ (diễn ra trong hai ngày 26 và 27/8/2021), qua gần 17 năm triển khai, đến nay việc thực hiện dự án này chậm, kết quả đạt được rất hạn chế.

Cụ thể, đối với khu Trung tâm Văn hóa Tây Đô, quy mô diện tích 116 ha đã thực hiện phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1799/QĐ-UBND ngày 27/7/2011 của UBND TP. Cần Thơ.

Thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy mô diện tích 43,37 ha/116 ha.

Bố trí khu hành chính tập trung trong phạm vi Trung tâm Văn hóa Tây Đô, quy mô diện tích khoảng 11 ha.

Đối với Khu tái định cư – giai đoạn 1 (44,76 ha), đã thực hiện phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3619/QĐ-UBND ngày 24/10/2005, Quyết định số 3553/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 và Quyết định số 1192/ngày 21/5/2015 của UBND TP. Cần Thơ. Dự án cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đối với Khu tái định cư – giai đoạn 2 (12,05 ha), đã thực hiện phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngày 31/72008 và điều chỉnh tại Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 12/10/2010 của UBND TP. Cần Thơ (Lô số 5B).

Tuy nhiên, qua rà soát tính hiệu quả kinh tế – xã hội tại khu vực này và đề xuất của nhà đầu tư, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 14/2/2014 về việc hủy Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 12/10/2010. Bên cạnh đó, đã điều chỉnh chuyển dự án Khu tái định cư – giai đoạn 2 sang khu đô thị mới và đã có chủ đầu tư.

Đánh giá kết quả thực hiện dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô, UBND TP. Cần Thơ cho rằng, ngoài những mặt làm được là đã thực hiện bồi thường, thu hồi đất và tái định cư một phần dự án; hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án…thì việc triển khai thực hiện dự án là chậm và chỉ đạt kết quả rất hạn chế nêu trên (thời gian hoàn thành xây dựng theo Nghị quyết của HĐND Thành phố là năm 2017, nhưng đến nay chưa xây dựng).

UBND TP. Cần Thơ chỉ ra các nguyên nhân chính là do: Thể chế về vốn không thực hiện được theo khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/7/2004 của HĐND Thành phố “đề nghị Chính phủ đầu tư đặc cách hoặc đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia”.

Dự án triển khai kéo dài qua nhiều năm (gần 17 năm), do Thành phố có nhiều định hướng mới (về khu hành chính tập trung, về quy hoạch không gian phát triển thành phố nói chung và khu đô thị Nam Cần Thơ tại quận Cái Răng nói riêng), cần sự điều chỉnh nội dung đầu tư so với Nghị quyết đã ban hành.

Thành phố chưa chủ động kịp thời trong bố trí nguồn lực để thực hiện dự án cũng như đề xuất cơ chế chính sách thu hút đầu tư phù hợp để thực hiện đầu tư dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô và không được sự hỗ trợ đầu tư từ Chính phủ như dự kiến.

Theo UBND TP. Cần Thơ, mô hình trung tâm văn hoá nói chung và Trung tâm Văn hóa Tây Đô nói riêng với hoạt động chính là vui chơi, giải trí đã từng được quan tâm đầu tư trong giai đoạn từ 1995 – 2007 trên khắp cả nước, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, mang lại nhiều lợi ích về xã hội và kinh tế. Giai đoạn sau năm 2007, việc đầu tư bằng ngân sách hoặc bằng vốn ngoài ngân sách đã không khả thi và không thực hiện được gắn với các giai đoạn khủng hoảng kinh tế đã kéo dài trong thời gian hơn 15 năm.

Về lâu dài, với vị trí trung tâm đô thị Cái Răng, việc đầu tư theo mô hình trước đây càng ngày càng khó khả thi, dẫn đến lãng phí trong quản lý, sử dụng đất và ảnh hưởng sâu sắc đời sống và hoạt động của người dân, tạo nhiều khó khăn trong quản lý môi trường, văn hoá và xã hội tại khu vực trung tâm của đô thị. Đặc biệt, nơi đây được xem là vị trí cửa ngõ của TP. Cần Thơ. Do đó, việc xem xét, nghiên cứu để có định hướng đầu tư mới là cần thiết.

Hơn nữa, trong khuôn viên Trung tâm Văn hoá Tây Đô đã được cấp có thẩm quyền thống nhất bổ sung xây dựng Trung tâm hành chính Thành phố.

Từ bối cảnh nêu trên về hoạt động và tính khả thi của Trung tâm Văn hóa Tây Đô cũng như định hướng xây dựng Khu hành chính tập trung Thành phố tại đây, để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động triển khai đầu tư tại khu vực này, UBND TP. Cần Thơ kiến nghị: Điều chỉnh, bổ sung việc thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô theo Nghị quyết số 15/2004/NQ-HĐND ngày 13/7/2004 và Nghị quyết số 33/2005/NQ-HĐND ngày 14/7/2005 của HĐND Thành phố với các nội dung cơ bản:

Đối với phần diện tích Khu 1 (khoảng 65 ha) bổ sung Khu trung tâm hành chính – văn hóa Thành phố. Các công trình, hạng mục trong khu vực này sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công và vốn hợp pháp khác.

Đối với phần diện tích còn lại (đã cập nhật phạm vi các hạ tầng kỹ thuật liên quan) tiến hành thu hút đầu tư hoàn chỉnh Trung tâm Văn hóa Tây Đô theo định hướng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Cái Răng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1237/QĐ-UBND ngày 23/6/2020).

Trên cơ sở rà soát việc thực hiện Trung tâm Văn hoá Tây Đô, UBND TP. Cần Thơ sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo theo quy định pháp luật hiện hành, làm cơ sở triển khai các nội dung đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy và HĐND Thành phố thống nhất, nhằm cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Baodautu.vn

Đánh giá
Exit mobile version