Site icon Thanh Phat Const

Bom nợ Evergrande có ảnh hưởng đến ngành thép Việt Nam?

Bom nợ Evergrande có ảnh hưởng đến ngành thép Việt Nam?

Trước thông tin công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande đứng trước nguy cơ vỡ nợ, nhiều mặt hàng kim loại đã có sự điều chỉnh giá nhanh chóng. Do đó, câu hỏi đặt ra là sự kiện này sẽ tác động như thế nào đến ngành thép của nước láng giềng như Việt Nam?

Bom nợ Evergrande ngay lập tức tác động giá nhiều kim loại của Trung Quốc

Những ngày qua, thông tin Evergrande, nhà phát triển bất động sản top đầu Trung Quốc, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản, trở thành doanh nghiệp bất động sản nợ nhiều nhất toàn cầu đang khiến cho thị trường thế giới chấn động, không chỉ chứng khoán lao dốc, USD tăng vọt, mà giá hàng hóa nguyên liệu cũng biến động mạnh..

Theo Finacial Times, bất động sản là lĩnh vực sử dụng rất nhiều hàng hóa kim loại như thép, đồng…Với hướng tiếp cận này, cuộc khủng hoảng của Evergrande đang tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa và những biến động giá cả hàng hóa là điều khó có thể tránh khỏi.

Một điều không thể phủ nhận rằng Trung Quốc là thị trường 40 -70% hàng hóa toàn cầu, trong đó phần lớn dành cho bất động sản.

Cụ thể, mức tiêu thụ hàng hóa trong lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn tổng mức tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. Trong đó, chiếm 40% tổng tiêu thụ thép của Trung Quốc, 20% tổng sản lượng toàn cầu (380 triệu tấn/năm).

Và quả bom nợ Evergrande đang tác động đến giá của nhiều mặt hàng kim loại khi lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chiếm 1/5 tổng nguồn cung thép và đồng toàn cầu.

Theo Market Watch, trong phiên 20/9 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME), giá quặng sắt 62% Fe dự kiến giao đến Trung Quốc vào tháng 12 năm nay có lúc dao động quanh mức 91,75 USD/tấn, giảm 8,3%.

Giá đồng giao tháng 12 mất 3,1% xuống còn khoảng 4.115 USD/tấn và tính từ đầu tháng 9 thì giá đã sụt giảm khoảng 6%.

Đây là mức thấp nhất trong vòng một tháng của giá đồng do nguy cơ vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande Group thúc đẩy bán tháo trên các thị trường tài chính và các nhà đầu tư hướng đến đồng USD trú ẩn an toàn, theo Reuters.

Thị trường thép Việt Nam có liên đới?

Câu hỏi đặt ra là sự kiện này cùng với những biến động của thị trường hàng hóa sẽ tác động như thế nào đến ngành thép của nước láng giềng như Việt Nam trong bối cảnh ngành hàng vẫn đang cố gắng cân bằng tăng trưởng khi dịch bệnh vẫn đang phức tap.

Chia sẻ với người viết, đại diện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết: “Thị trường thép Trung Quốc có mối quan hệ và tác động nhiều đến thị trường Việt Nam, do đó nếu quả bom nợ Evergrande “vỡ” sẽ tác động ở một chừng mực đến ngành hàng bất động sản cũng như ngành thép của Trung Quốc và từ đó có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam”.

Tuy nhiên, cụ thể đó là những tác động như thế nào thì VSA cho rằng cần có thời gian nghiên cứu kỹ hơn để có những số liệu và dự báo xác thực về sự ảnh hưởng đối với giá thép và khả năng sản xuất, tiêu thụ mặt hàng thép trong thời gian tới.

Cùng chung nhận định, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng: “Khi nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc là Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành vật liệu xây dựng của nước này, trong đó có ngành thép.

Và khi ngành thép của ông lớn Trung Quốc bị ảnh hưởng nó sẽ liên đới đến các thị trường khác, đặc biệt là các thị trường lân cận như Việt Nam nhưng cụ thể ảnh hưởng như thế nào, trực tiếp hay gián tiếp, mức độ ra sao thì vẫn chưa có số liệu, cơ sở để đo lường”.

Chia sẻ rõ hơn về quan điểm của mình, theo ông Kỳ, khả năng Evergrande không chỉ đầu tư bất động sản ở Trung Quốc mà còn lấn sân sang các thị trường khác, có thể có cả Việt Nam với vai trò đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp.

Do đó, khi Evergrande có vấn đề về tài chính khả năng sẽ ảnh hưởng đến ngành vật liệu xây dựng Việt Nam, trong đó có mặt hàng thép. Nguyên nhân khi các doanh nghiệp bất động sản này gặp khó khăn sẽ liên quan đến vấn đề đầu ra của các ngành vật liệu xây dựng, bao gồm cả sắt thép.

Thực tế, xét về mối quan hệ của hai thị trường láng giềng Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt trong ngành hàng thép, có thể thấy đó là mối quan hệ mật thiết với nhau ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

Cụ thể, số liệu thống kê của VSA cho biết Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất các sản phẩm thép cho Việt Nam như thép cuộn cán nóng, dây thép, thép cuộn cán nguội, tôn mạ kẽm, sắt thép vụn phế liệu với khối lượng gần 4,3 triệu tấn, trị giá hơn 3,5 tỷ USD, chiếm hơn 48% tổng lượng nhập khẩu và 45,5% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm thép trong 8 tháng đầu năm nay.

Ngoài ra, đây cũng là quốc gia cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất thép quan trọng của Việt Nam như quặng sắt, phôi thép,…

Không chỉ là nơi cung cấp, Trung Quốc còn là thị trường tiêu thụ thép lớn của Việt Nam với lượng nhập khẩu gần 1,8 triệu tấn, giá trị gần 1,1 tỷ USD, chiếm hơn 21% tổng lượng xuất khẩu và gần 15,5% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng sắt thép của Việt Nam trong tháng 8 tháng đầu năm 2021.

Đáng chú ý, trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam ghi nhận là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD với trị giá xuất khẩu sắt thép các loại đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước và cao gấp 2,5 lần so với tháng 8/2020.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng với giá trị hơn 327,6 triệu USD, chiếm hơn 21,8% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng sắt thép của Việt Nam trong tháng 8/2021.

Đây được xem là tín hiệu lạc quan khi mức tiêu thụ nội địa “chạm đáy” 5 năm do tác động của dịch COVID-19. Theo đó, VSA cho rằng đây sẽ là “chìa khóa” cân bằng tăng trưởng mà các ngành hàng sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng cuối năm.

Theo Vietnambiz

5/5 - (1 bình chọn)
Exit mobile version